Phân tích - Nhận định
Tuesday, 24/12/2013, 10:29

TTTM hay chợ kiểu mới?

24/12/2013

Đã hơn 10 năm trôi qua kể từ thời điểm Hà Nội quyết liệt chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, những khu chợ truyền thống trong nội thành đã trở thành những trung tâm thương mại (TTTM) hiện đại.

 Tuy nhiên, tình cảnh ế ẩm khi cả người mua và người bán đều quay lưng, đã khiến kỳ vọng ban đầu nhanh chóng tan biến.

Nan giải chợ kiểu mới

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, đến nay, Hà Nội đã có 6 công trình chợ kết hợp TTTM được xây dựng hoàn thiện, trong đó 4 công trình đã đưa vào sử dụng là chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam thuộc quận Hoàn Kiếm, chợ Ô Chợ Dừa thuộc quận Đống Đa và chợ Thanh Trì trên địa bàn thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì; 2 công trình chuẩn bị đưa vào sử dụng là chợ 19-12 và chợ Mơ.

Tuy nhiên, 5/6 khu chợ này đang rơi vào tình cảnh bi đát. Theo báo cáo, tính đến đầu tháng 12, tại chợ Hàng Da đã có 200/636 hộ nghỉ kinh doanh hoặc chuyển nhượng cửa hàng. Ở chợ Cửa Nam con số này là 62/62 hộ; tại chợ Ô Chợ Dừa 100% hộ lâm vào hoàn cảnh tương tự.

Công trình TTTM Thanh Trì hoành tráng 7 tầng nổi 1 tầng hầm, ngoài tình cảnh vắng như “chùa Bà Đanh”, nay bắt đầu hư hỏng, xuống cấp. TTTM chợ Mơ đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động do tranh chấp căng thẳng giữa chủ đầu tư CTCP Phát triển Vinaconex và Công ty TNHH Đầu tư tư nhân Vina - đơn vị nhận chuyển nhượng mặt bằng khu TTTM thuộc dự án này.

 

TTTM - chợ Hàng Da sẽ "lên đời" thành Hà Nội Square.

Riêng chợ - TTTM 19-12 dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 12, nhưng với mô hình kinh doanh giống các chợ - TTTM khác, sự đột biến ở dự án này có lẽ khó xảy ra.

Theo nhận định của Sở Công Thương Hà Nội, loại hình chợ - TTTM đã được TP chính thức triển khai từ năm 2004, nhưng đến nay mô hình mẫu công trình hỗn hợp chợ gắn với TTTM vẫn chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn hướng dẫn nào từ cơ quan chuyên môn, cụ thể là Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng Hà Nội.

Bên cạnh đó, việc thiết kế khu vực chợ chưa hợp lý, tỷ trọng bố trí công trình chủ yếu là chức năng TTTM, chợ chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Chính vì thiếu và yếu ngay từ khâu quy hoạch và thiết kế nên mỗi chợ mang một kiểu dáng, kết cấu khác xa nhau. Bên cạnh đó, các chợ - TTTM này đều có chung chủ sở hữu, vì vậy để có sự đồng thuận trong định hướng phát triển rất khó khăn.

Trên lý thuyết, các dự án chợ - TTTM có thể đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Nhưng thực tế nó lại “lệch pha” cung cầu, không đáp ứng được nhu cầu của một chợ dân sinh, cũng không thể đáp ứng vai trò là TTTM - nơi dành cho các mặt hàng xa xỉ, cao cấp.

Chính trạng thái lưng chừng này đã khiến khách hàng quay lưng. Bên cạnh đó, sự lúng túng trong xử lý của UBND TP Hà Nội cũng khiến mô hình hiện đại này ì ạch suốt 10 năm qua. Mới đây nhất, biện pháp giãn hoặc tạm dừng các dự án khác, đồng thời tăng cường giải tỏa chợ cóc xung quanh để người dân phải vào chợ kiểu mới mua sắm được đánh giá là giải pháp tình thế, khá cứng nhắc và không thể đạt được hiệu quả lâu dài.

Từ Sài Gòn Square đến Hà Nội Square?

Xu hướng bình dân hóa các TTTM đã lan mạnh từ TPHCM ra đến Hà Nội. Nhiều chủ đầu tư đã bắt đầu hướng đến một mô hình thân thiện hơn cho người tiêu dùng, nhưng không quá bình dân như tại các chợ truyền thống. Trong khi Hà Nội đang bế tắc trong các giải pháp tăng sức mua cho các chợ -TTTM, các chủ đầu tư đã bắt đầu chuyển hướng. Sự ra đời của Hà Nội Square trên nền tảng chợ Hàng Da có thể coi là khởi đầu cho xu hướng này tại thủ đô.

Đại diện chủ đầu tư cho biết ngoài việc miễn phí thuê mặt bằng trong 5 tháng, vào đầu năm 2014 TTTM - chợ Hàng Da sẽ chính thức có tên mới là Hà Nội Square với hàng loạt thay đổi trong bố trí, cung cách quản lý tòa nhà. Theo bà Phạm Huyền, Giám đốc Hà Nội Square, mô hình quản lý TTTM Hàng Da - Hà Nội Square sẽ như Sài Gòn Square, nhưng thành phần tham gia kinh doanh chủ yếu là tiểu thương, các sản phẩm được cam kết chất lượng với giá cả bình dân.

Đặc biệt, một số mặt hàng thời thượng cũng được TTTM này chọn để tập trung kinh doanh, như thời trang, hàng lưu niệm dành cho khách nước ngoài, thời trang tóc, dịch vụ làm đẹp, ăn uống, cà phê…

Trong đó 30% sẽ dành cho các thương hiệu lớn. Sự thành công vang dội của Sài Gòn Square - một trong những điểm mua sắm được mệnh danh là thú vị bậc nhất TPHCM - đã khiến nhiều người kỳ vọng mô hình này sẽ thành công tại Hà Nội. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nếu làm “khéo”, đây sẽ là mô hình thu hút được khách mua bởi lợi thế tập trung và giá cả hợp lý.

Người mua thay vì chạy khắp TP để có thể đến được những cửa hàng yêu thích, nay hiện cần đến một nơi. Mặt khác, hướng vào nơi nguồn cầu đông đảo hơn, chắc chắn khả năng phát triển sẽ tốt hơn.

 

Theo dự kiến, Hàng Da Galleria sẽ chính thức mang tên mới Hà Nội Square vào đầu năm 2014 và nếu thành công, đây có thể là lối thoát mới cho nhiều TTTM - chợ đang “đắp chiếu” trên địa bàn Hà Nội.

(Theo SGĐTTC)
Chia sẻ:
Tin mới

Chính thức mở bán dự án New Horizon - 87 Lĩnh Nam (06/04/2015)

Những kỳ vọng vào thị trường địa ốc trong năm nay (25/02/2015)

Bất động sản sẽ đi qua thời chênh vênh và nhanh chóng khởi sắc (25/02/2015)

CT Number One mở bán khuyến mại “Lộc vàng trao tay đón ngay năm mới” (21/01/2015)

Những điều cơ bản trong bố trí phong thủy văn phòng (15/01/2015)

Tỷ suất đầu tư căn hộ cho thuê cao nhất nhì Đông Nam Á (15/01/2015)

Các tin khác

Bất động sản sẽ đi qua thời chênh vênh và nhanh chóng khởi sắc (25/02/2015)

Nguồn cung cấp văn phòng tăng 7 lần trong 10 năm qua (15/01/2015)

Giá thuê căn hộ dịch vụ có thể tăng 10-20% trong năm 2015 (08/01/2015)

Giá rẻ, sao nhà ở xã hội vẫn ế? (13/12/2014)

Thị trường BĐS cần tái cơ cấu để phát triển bền vững (10/11/2014)

Chỉ nên cho người nước ngoài mua bất động sản cao cấp (05/11/2014)