Phân tích - Nhận định
Saturday, 28/09/2013, 08:24

Trung tâm hành chính: Tiện lợi cho công vụ và người dân

28/09/2013

Hiện nay nhiều tỉnh, thành đã xây dựng trung tâm hành chính nhằm dồn các cơ sở hành chính vào, các cơ sở cũ bán đi để bù đắp chi phí xây trung tâm hành chính hoặc cho thuê, chuyển cho các đơn vị sự nghiệp. TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội, đã chia sẻ một số nhận định xung quanh vấn đề này với báo ĐTTC.

PV: - Thưa ông, gần đây một số tỉnh đang xúc tiến xây dựng trung tâm hành chính mới với tổng vốn hàng tỷ đồng rồi dồn hết các cơ quan hành chính vào, các cơ sở cũ bán đi lấy tiền đầu tư. Theo ông, cách làm này như thế nào?

TS. Trần Du Lịch: - Trước hết, các địa phương xây dựng trung tâm hành chính để tập trung các sở, ngành vào một chỗ nhằm thực hiện cơ chế một cửa thay vì mỗi cơ quan riêng rẽ phải tổ chức cả bộ máy phục vụ, như bảo vệ, lái xe... và hệ thống phục vụ rất đông đảo gây tốn kém.

Thí dụ như mô hình TP Đà Nẵng, muốn tổ chức một trung tâm hành chính một cửa sẽ bỏ toàn bộ việc mỗi cơ quan một bộ máy hành chính, phục vụ riêng để giảm tốn kém và tạo sự giao tiếp nội bộ các cơ quan gần gũi với nhau, cho người dân thấy rằng đó là một cửa phục vụ. Tôi cho rằng ý tưởng như vậy có nhiều tác dụng.

Thứ nhất, về mặt công vụ là thuận lợi. Thứ hai, có điều kiện giảm toàn bộ những chi phí hành chính không cần thiết mà hiện nay chi phí này đang rất lớn, bởi mỗi nơi riêng một bộ máy phục vụ nói nôm na là “thêm mâm thêm bát” rất tốn kém.

Thứ ba, có thể tận dụng mặt bằng của các nơi cũ, các quỹ đất đó để biến thành thương mại hay các hoạt động khác. Xét về nguyên tắc, nếu như chuyển mục đích sử dụng ở những cơ quan như vậy về một nơi, rõ ràng nguồn kinh phí hoàn toàn có thể đủ để xây dựng.

Tuy nhiên, muốn làm được, đầu tiên ngân sách phải ứng tiền cho thực hiện trước thì các cơ quan mới chuyển được. Hiện có những nơi thực hiện đang gặp khó khăn do không có nguồn vốn ứng trước. Đặc biệt với thị trường BĐS hiện nay để bán những mặt bằng như vậy gặp khó khăn nên có thể gây trở ngại cho hướng làm. Thực sự vấn đề này đang nóng lên vì các địa phương đang thiếu tiền để thực hiện như tôi đã nói.

Cao ốc số 5 Lê Duẩn (Tp.HCM) đã từng được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thống nhất chủ trương đưa các văn phòng phía Nam của các bộ, ngành trung ương vào đây.

- Ông nói là nên làm, nhưng trước đây (năm 2006), cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng đề cập chống lãng phí đất công nên thống nhất chủ trương giải thể các văn phòng phía Nam của các bộ, ngành trung ương, tập trung vào một chỗ đó là cao ốc số 5 Lê Duẩn (quận 1, Tp.HCM), số đất văn phòng đại diện dôi dư trở thành đất công. Tuy nhiên, sau khi cao ốc này đang xây dựng dở dang thì có sự thay đổi, giữ nguyên các cơ sở và tòa nhà bán cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Ông có bình luận gì về điều này?

Về nguyên tắc là nên làm, vì xây dựng trung tâm hành chính có lợi hơn là mỗi sở, ngành “một mâm một bát” như hiện nay. Như Đà Nẵng dự kiến sẽ không còn xe riêng sở, ngành nào nữa, mà tất cả cơ quan có một đội xe công vụ và cơ quan nào cần thì đăng ký, giải quyết vấn đề nhiều nơi sử dụng xe công, xăng dầu vô tội vạ.

- Trước đây, dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng muốn làm, không để đại diện các bộ ở đây quá nhiều mà xây một nơi tập trung. Tuy nhiên, theo tôi biết, việc này không thành công không phải do mô hình, mà dường như do tư tưởng cục bộ, quan điểm cục bộ, nên tòa nhà đó phải chuyển cho Petrovietnam.

Do vậy các cơ quan của trung ương trên địa bàn Tp.HCM vẫn có nơi riêng, thậm chí một cơ quan còn có nhiều cơ sở, nhiều địa điểm chứ không chỉ một nơi. Tôi cho rằng ý tưởng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là đúng, nhưng trở lực không làm được do tính cục bộ chứ không phải ý tưởng sai.

Tôi nghĩ rằng ý tưởng đó nên tiếp tục được nghiên cứu trong tương lai, đặc biệt trên địa bàn Tp.HCM. Hiện nay, với một số địa phương đang làm gặp khó vì không có nguồn kinh phí ứng trước để làm, song song đó là triển vọng thương mại hóa hay sử dụng mặt bằng cũ có thể khó khăn. Nhưng điều đó không có nghĩa là không nên mà cần chọn thời điểm thích hợp để làm từng bước

- Ông nói tư tưởng cục bộ gây trở lực cho việc xây dựng trung tâm hành chính tại Tp.HCM, vậy cụ thể là các cơ quan e ngại vấn đề gì?

- Đơn giản là một cơ quan có một cơ sở riêng, có trụ sở riêng, có nhân viên riêng, có một bộ máy phục vụ riêng và họ không muốn thay đổi. Tôi cho rằng, tương lai có thực hiện ý tưởng này cũng sẽ không đồng thuận hết, vì tâm lý cái gì cũng phải của riêng mình.

Thí dụ như tại một sở, mỗi lãnh đạo có một xe riêng, bộ máy có xe, muốn sử dụng chỉ cần gọi đi. Còn khi thực hiện trung tâm hành chính chung, muốn sử dụng xe phải đăng ký và mỗi lần sử dụng phải đưa ra mục đích, lý do, điều này sẽ làm mất tự do.

Thậm chí như ở địa bàn Tp.HCM, nhiều cơ sở trực thuộc trung ương, mặc dù là trụ sở nhưng lại lấy một phần cho thuê mặt bằng.

- Theo ông về lâu dài cần nghiên cứu thực hiện như thế nào?

- Chúng ta cần nghiên cứu lại tư tưởng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Chỉ nói riêng Tp.HCM, nếu có một trung tâm hành chính thật sự chung cho các cơ quan thuộc Chính phủ tại phía Nam và gom tất cả các mặt bằng để sử dụng vào mục đích khác thì hiệu quả biết chừng nào.

- Xin cảm ơn ông!

Theo SG ĐTTC
Chia sẻ:
Tin mới

Chính thức mở bán dự án New Horizon - 87 Lĩnh Nam (06/04/2015)

Những kỳ vọng vào thị trường địa ốc trong năm nay (25/02/2015)

Bất động sản sẽ đi qua thời chênh vênh và nhanh chóng khởi sắc (25/02/2015)

CT Number One mở bán khuyến mại “Lộc vàng trao tay đón ngay năm mới” (21/01/2015)

Những điều cơ bản trong bố trí phong thủy văn phòng (15/01/2015)

Tỷ suất đầu tư căn hộ cho thuê cao nhất nhì Đông Nam Á (15/01/2015)

Các tin khác

Bất động sản sẽ đi qua thời chênh vênh và nhanh chóng khởi sắc (25/02/2015)

Nguồn cung cấp văn phòng tăng 7 lần trong 10 năm qua (15/01/2015)

Giá thuê căn hộ dịch vụ có thể tăng 10-20% trong năm 2015 (08/01/2015)

Giá rẻ, sao nhà ở xã hội vẫn ế? (13/12/2014)

Thị trường BĐS cần tái cơ cấu để phát triển bền vững (10/11/2014)

Chỉ nên cho người nước ngoài mua bất động sản cao cấp (05/11/2014)