Tin tức
Chính thức mở bán dự án New Horizon - 87 Lĩnh Nam
Những kỳ vọng vào thị trường địa ốc trong năm nay
Bất động sản sẽ đi qua thời chênh vênh và nhanh chóng khởi sắc
CT Number One mở bán khuyến mại “Lộc vàng trao tay đón ngay năm mới”
Những điều cơ bản trong bố trí phong thủy văn phòng
Tỷ suất đầu tư căn hộ cho thuê cao nhất nhì Đông Nam Á
Nguồn cung cấp văn phòng tăng 7 lần trong 10 năm qua
Lượng giao dịch biệt thự liền kề tại Tp.HCM đang có chiều hường tăng mạnh
Sửa Luật Xây dựng để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn
Hoàn thiện dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) là một nhiệm vụ hàng đầu của ngành xây dựng, do phạm vi điều chỉnh của Luật rất rộng, chiếm hơn 70% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 34% GDP cả nước. Bởi lẽ Luật là cơ sở quan trọng nhằm khắc phục tình trạng công trình bị kéo dài tiến độ, đội giá, chất lượng kém, thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.
Còn nhiều lỗ hổng
Luật Xây dựng được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 26/1/2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2004. Ðể thi hành Luật Xây dựng, Chính phủ đã ban hành 18 nghị định, sáu quyết định làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện. Tuy nhiên qua thực tế triển khai, Ban soạn thảo đã tổng kết 10 năm thực hiện Luật Xây dựng (2003) đã nhận định có tám vấn đề hạn chế, bất cập. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Bùi Trung Dung, Cục trưởng Quản lý hoạt động xây dựng, thành viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng biên tập, có ba vấn đề lớn, trọng tâm đang được Ban soạn thảo tập trung giải quyết.
Một là, Luật Xây dựng (năm 2003) cho thấy vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên môn của Nhà nước về xây dựng chưa rõ, chưa phát huy cao trách nhiệm, thiếu các cơ chế kiểm tra, giám sát cần thiết của Nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng. Trong khi đó, việc phân cấp quyền hạn cho chủ đầu tư lại quá lớn, trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng cũng không rõ ràng nên thực tế khi chất lượng công trình không tốt, thậm chí có sự cố công trình, vỡ tiến độ, đội giá... thì có thể dễ dàng tìm ra nguyên nhân nhưng quy trách nhiệm cụ thể lại rất khó. Ðây là một trong những lỗ hổng cần sớm khắc phục và phải được khắc phục. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, dự thảo Luật đã được Chính phủ đồng thuận rất cao.
Hai là, một vấn đề bức xúc hiện nay nằm ở các công trình sử dụng vốn ngân sách và việc quản lý sử dụng nguồn vốn ngân sách. Phần lớn các công trình sử dụng vốn ngân sách đều bị chậm tiến độ, đội giá, thông thầu... và đây cũng là nguyên nhân chính khiến chất lượng các công trình không bảo đảm. Một trong những vấn đề này là năng lực các ban quản lý dự án (BQLDA) bị buông lỏng về năng lực quản lý. Có một thực tế là nguồn vốn ngân sách thuộc đặc thù "cha chung không ai khóc", bị quản lý không rõ ràng, tiêu chí thành lập khá dễ dãi, cứ có công trình là có BQLDA, thậm chí có tình trạng nhà nhà, người người tranh đua làm quản lý dự án, kể cả những người không có nghề về quản lý dự án đầu tư xây dựng vẫn được người quyết định đầu tư dự án sử dụng vốn ngân sách cho thành lập BQLDA.
Ba là, nhiều trường hợp công trình có thất thoát lớn. Một số công trình vừa xây xong đã xuống cấp, quá tải sử dụng nên mới xây dựng xong đã phải chuyển sang làm giai đoạn nâng cấp, mở rộng. Luật Xây dựng (năm 2003) giao cho các cơ quan quản lý thẩm tra thiết kế cơ sở công trình. Chẳng hạn, Bộ Công thương quản lý thẩm tra các công trình thủy điện, Bộ Giao thông vận tải thẩm tra các công trình giao thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm tra công trình thủy lợi...
Do thời điểm năm 2008, Luật điều chỉnh các Luật quy định lại việc thẩm định thiết kế cơ sở được phân cấp cho chủ đầu tư, do vậy dẫn tới việc xem nhẹ cái cốt lõi nhất của dự án xây dựng là thiết kế cơ sở trong quản lý đầu tư xây dựng. Bởi vì, thiết kế cơ sở được coi là công tác căn bản, quan trọng để xây dựng tổng mức đầu tư, nhìn trước được hiệu quả đầu tư, quy mô công trình, quản lý quy hoạch và kiến trúc. Trước đây, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã siết việc thẩm định thiết kế cơ sở, nhưng một số nơi làm không tốt dẫn đến chậm tiến độ đầu tư. Bây giờ là lúc phải xem xét, đánh giá lại công tác này vì quá trình chuẩn bị ban đầu là quan trọng nhất, tránh việc kéo dài tiến độ, đội giá công trình, thất thoát lãng phí do phải điều chỉnh thiết kế nhiều lần, gây bức xúc trong dư luận.
Tránh chồng chéo với các luật liên quan
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Ðình Dũng cho rằng, việc sớm ban hành Luật Xây dựng sửa đổi là cần thiết. Mặc dù, còn nhiều ý kiến khác nhau về các vấn đề, tuy nhiên cần thống nhất quan điểm hoạt động xây dựng là một quá trình liên thông từ đầu tư đến xây dựng, sản phẩm là đặc thù, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực. Do vậy cần phải được xem xét, nghiên cứu kỹ, đặc biệt phải kiểm soát chặt chẽ các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách. Ðồng thời tăng cường rà soát, thống nhất ý kiến giữa các bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ, Quốc hội các bộ luật, giảm bớt sự giao thoa, chồng chéo giữa các bộ luật chuyên ngành.
Hiện nay, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu lực trong thực thi pháp luật cần khắc phục những trùng lặp, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các Luật có liên quan với Luật Xây dựng và hoạt động xây dựng như: Luật Ðầu tư (năm 2005), Luật Doanh nghiệp (năm 2005), Luật Nhà ở (năm 2005)... và đặc biệt là Luật Ðấu thầu (năm 2005). Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Bùi Trung Dung nhận định nên bỏ quy định đấu thầu xây dựng ra khỏi Luật Xây dựng và có một luật đấu thầu xây dựng riêng.
Xây dựng một nền kinh tế thị trường thì thị trường xây dựng chính là thị trường lao động, tạo nên các công trình xây dựng, chứ không nên coi là thị trường hàng hóa. Bởi vì, các công trình xây dựng đặt trên mặt đất, thời gian hoàn thành kéo dài, có giá trị lớn và có nhược điểm là không dễ phá bỏ được, do vậy, tác động cũng như hiệu quả của nó liên quan đến đông đảo người dân.
Thực tế vừa qua cho thấy, Luật Ðấu thầu không làm yên tâm, thỏa mãn những người làm nghề xây dựng như: Hiệp hội nhà thầu, Tổng hội xây dựng, Hội Kiến trúc sư... Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: "Luật Ðấu thầu vẫn không khắc phục được hai vấn đề là đội giá và kéo dài thời gian thi công" vì thực chất đấu thầu xây dựng vẫn là đấu giá. Nếu xét thầu chỉ ở mức giá thì quá cứng nhắc và không hiệu quả vì thành công của công trình xây dựng là huy động được các nguồn lực. Ngay trong một số chỉ đạo của Chính phủ, năng lực đấu thầu cũng cần có yếu tố nước ngoài, chứ không chỉ ưu tiên giá thấp trúng thầu.
Ban soạn thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo để phối hợp với các hiệp hội lắng nghe ý kiến và rất thận trọng trong việc đề xuất vấn đề liên quan đến đấu thầu xây dựng. Do vậy nên để Luật Ðấu thầu dừng ở mức là một luật khung, còn riêng đấu thầu xây dựng sẽ xây dựng thành một luật riêng hoặc cần có những nghị định hướng dẫn cụ thể, sát thực tiễn.