Tin tức
Chính thức mở bán dự án New Horizon - 87 Lĩnh Nam
Những kỳ vọng vào thị trường địa ốc trong năm nay
Bất động sản sẽ đi qua thời chênh vênh và nhanh chóng khởi sắc
CT Number One mở bán khuyến mại “Lộc vàng trao tay đón ngay năm mới”
Những điều cơ bản trong bố trí phong thủy văn phòng
Tỷ suất đầu tư căn hộ cho thuê cao nhất nhì Đông Nam Á
Nguồn cung cấp văn phòng tăng 7 lần trong 10 năm qua
Lượng giao dịch biệt thự liền kề tại Tp.HCM đang có chiều hường tăng mạnh
Nhà giá rẻ: Vẫn xa vời và thiếu hấp dẫn
Dù đã có nhiều chính sách tháo gỡ, hỗ trợ nhưng để người thu nhập thấp tiếp cận được nhà ở xã hội và nhà giá rẻ nói chung vẫn còn quá “chua”, chưa kể các dự án hiện vẫn chưa thực sự thu hút khách hàng.
Trong tháng 10/2013, HĐND Tp.HCM đã giám sát việc triển khai chương trình nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn. Thống kê từ các sở, ngành cho thấy 20% trong số 150.000 CB-CNVC toàn TP đang có nhu cầu nhà ở. Theo kế hoạch, năm 2013, TP chỉ có thể đưa vào sử dụng 3.000 căn NƠXH.
Mới 232 người có nhà
Theo Sở Xây dựng Tp.HCM, đến nay, 4 dự án NƠXH (xây trên quỹ đất do TP quản lý) đã hoàn thành với 294 căn, gồm: chung cư Đông Hưng 2 (quận 12), chung cư Tô Hiến Thành (quận 10), chung cư Bà Hom (quận 6) và chung cư Hoàng Hoa Thám (quận Bình Tân); trong đó đã bố trí 232 căn.
TP chuẩn bị đưa vào sử dụng 3 dự án NƠXH tại chung cư 26 Nguyễn Thượng Hiền (quận Gò Vấp) và chung cư 19/19 Lạc Long Quân, 171A Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình). Sở Xây dựng đang thẩm định và trình UBND Tp.HCM chủ trương chuyển đổi 5 dự án nhà tái định cư với khoảng 1.769 căn.
Dự án 481 Bến Ba Đình, quận 8 đã được chấp thuận chủ trương chuyển sang NƠXH |
Mới đây, đoàn đại biểu HĐND TP đã khảo sát dự án tái định cư 481 Bến Ba Đình (quận 8). Nằm bên bờ kênh Tẽ, cạnh trường THCS, hạ tầng hoàn chỉnh, giao thông thuận lợi… nhưng từ khi hoàn thành (năm 2010) đến nay, chung cư này vẫn chưa có người ở. Phí bảo vệ, bảo trì chung cư, chủ đầu tư phải phải gánh.
Đại diện chủ đầu tư là Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (RESCO) cho biết chung cư có 350 căn hộ dành để tái định cư 2 dự án Rạch Ụ Cây và cầu Bình Tiên. Tuy nhiên, dự án Rạch Ụ Cây sau đó bố trí về chung cư Tân Mỹ (quận 7), còn cầu Bình Tiên đã dừng lại do không có kinh phí. Vì vậy, RESCO xin UBND TP chuyển đổi 112 căn hộ loại diện tích dưới 70 m2 sang NƠXH và đã được chấp thuận chủ trương.
Bốn dự án nhà tái định cư xin chuyển sang NƠXH khác là Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), An Lạc (quận Bình Tân) và Phú Mỹ 1, Tân Mỹ (quận 7). Ngoài ra, dự án nhà ở thương mại duy nhất được chuyển sang NƠXH tính đến thời điểm này - 584 Tower Trịnh Đình Trọng (quận Tân Phú) - cũng đóng góp 418 căn hộ.
Dè dặt với… hỗ trợ
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tp.HCM, cho biết NƠXH vẫn chưa trở thành lựa chọn của nhiều người thu nhập thấp. Trong số 137 khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà từ gói ưu đãi 30.000 tỉ đồng của Chính phủ, chỉ có 2 người chọn NƠXH. Theo ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Tp.HCM, không phải dự án NƠXH nào cũng ở gần trung tâm và có kết nối hạ tầng tốt như 481 Bến Ba Đình.
Tâm lý số đông người dân cho rằng các dự án chuyển sang NƠXH thường ở xa, kém cả về vị trí, chất lượng… Khu tái định cư Vĩnh Lộc B là ví dụ. Đây cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người còn e dè với NƠXH. Từng khảo sát thực tế khá nhiều nơi ở Tp.HCM, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng mức giá dưới 15 triệu đồng/m2 chỉ có thể có ở các dự án vùng ven.
Theo ông Phạm Văn Đông, NƠXH không nhất thiết ở trung tâm nhưng phải kết nối hạ tầng tương đối ổn định và có các công trình công cộng phục vụ dân sinh. Ông Đỗ Văn Phúc, Phó Tổng giám đốc RESCO, đề xuất nếu TP không có kinh phí xây dựng thì thực hiện chủ trương “đổi đất lấy hạ tầng” nhưng phải tính được giá cấn trừ trước để làm điều kiện kêu gọi đầu tư. Các chủ đầu tư thấy hấp dẫn mới vào, không ai bỏ tiền rồi chờ tính giá sau cả.
NƠXH và gói vay hỗ trợ 30.000 tỉ đồng là để phục vụ người thu nhập thấp. Dẫu vậy, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Chủ tịch LĐLĐ Tp.HCM, cho rằng người thu nhập thấp hiện vẫn chưa dám mơ đến gói hỗ trợ này. Theo quy định, người thu nhập thấp là người có mức thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng. Vay gói hỗ trợ trong 10 năm, mỗi tháng họ phải trích đóng ngân hàng 4-6 triệu đồng, số tiền còn lại không đủ sống, chưa kể xảy ra đau ốm… Hơn nữa, muốn mua được căn hộ giá 600-700 triệu đồng, người lao động phải có khoảng 200-300 triệu đồng “dằn túi”. Vì vậy, ông Cường kiến nghị tăng thời gian trả nợ lên 15-20 năm để giảm bớt khoản tiền trích đóng mỗi tháng.
Ngân hàng than khó Không chỉ người được hỗ trợ mà chính người hỗ trợ cũng đang dè dặt với gói 30.000 tỉ đồng. Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng thời gian hoàn vốn theo quy định hiện nay quá dài, ngân hàng như… đi thu bạc cắc. Vả lại, với thu nhập của khách hàng quá thấp, nếu xảy ra sự cố thì nợ xấu sẽ xuất hiện. Việc xác minh thu nhập khách hàng là người lao động tự do cũng rất khó. Nếu xác định sai đối tượng, có khi nhân viên ngân hàng sẽ phải móc tiền túi để trả khoản nợ này. Chính vì vậy, các ngân hàng không mặn mà đối với các trường hợp vay gói 30.000 tỉ đồng. |