Phân tích - Nhận định
Thursday, 02/01/2014, 09:23

"Gói hy vọng" của người lao động nghèo

02/01/2014

Dù có nhiều điều tiếng khi sau hơn nửa năm, gói 30 nghìn tỷ đồng tín dụng ưu đãi hỗ trợ vay mua nhà mới chỉ giải ngân chưa được 2%, nhưng nói gì đi nữa, trong bối cảnh thị trường hiện nay, đây vẫn là niềm hy vọng của đa số người lao động nghèo thu nhập hạn chế.

 “Hẫng” so với kỳ vọng

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 30/11 các ngân hàng đã cam kết cho vay đối với 1.256 khách hàng với tổng số tiền 1.562,1 tỷ đồng trong gói ưu đãi tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân cho 1.236 khách hàng với tổng dư nợ 470,8 tỉ đồng.

Cụ thể, 1.246 khách hàng cá nhân được cam kết cho vay với tổng số tiền 452,1 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân cho 1.231 khách hàng cá nhân với dư nợ 294,7 tỷ đồng. 10 doanh nghiệp được vay tổng số tiền cam kết 1.110 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho 5 doanh nghiệp với số tiền là 176,07 tỷ đồng.

Khi đưa gói hỗ trợ tín dụng này vào đời sống, mục tiêu mà NHNN và Bộ Xây dựng đề ra là chậm nhất trong vòng 36 tháng kể từ ngày 1/6/2013, phải hoàn thành việc giải ngân gói 30.000 tỷ. Nếu chỉ nhìn vào tiến độ giải ngân thời gian qua, không ít người sẽ thấy “nản” với đích đến của gói tín dụng quan trọng, mà trong đó mục tiêu an sinh được đặt lên hàng đầu.

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, nguyên nhân chính khiến tiến độ thực hiện của gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng không như mong muốn là sự thiếu hụt nguồn cung của phân khúc nhà ở xã hội. “Không phải có tiền đưa ra là cho vay được. Trên thực tế, nguồn cung mới là vấn đề chính. Nguồn nhà bán ra khá hạn chế khiến việc triển khai chưa tốt” – ông Tiến nói.

Theo Thông tư số 07/2013/TT-BXD hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở và Thông tư số 11/2013/TT-NHNN quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở, tổ chức được vay vốn là các doanh nghiệp là chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và doanh nghiệp có dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội. Gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ gồm 02 phần: cho doanh nghiệp vay 30% và cho người dân vay 70%. Để giải ngân được 70% cho người dân vay thì phải có hàng hóa, tức là phải đẩy mạnh nguồn cung trước tiên, cũng tức là phải đẩy mạnh cho doanh nghiệp vay trước.

Nhìn nhận nguyên nhân khiến việc giải ngân đối với các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng phát triển nhà ở xã hội còn rất chậm, Bộ Xây dựng cho rằng chính sách tín dụng hỗ trợ nhà ở là một chính sách mới, lần đầu được triển khai thực hiện, vì vậy không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc ban đầu.

Hơn nữa, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc giải quyết các trình tự, thủ tục về công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án nhà ở xã hội cũng như việc xem xét, cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, cho phép điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với tiêu chí cho vay (căn hộ nhỏ dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 ) theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQCP ngày 07/01/2013 của Chính phủ.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại được giao nhiệm vụ triển khai việc cho vay còn quá thận trọng, dẫn đến sự chậm trễ trong việc xét duyệt, thẩm định đối tượng cho vay vốn. Trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc liên quan đến công chứng hợp đồng thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai đối với nhà ở xã hội, xử lý tài sản thế chấp là nhà ở hình thành trong tương lai, thủ tục giao dịch bảo đảm trong việc cho vay vốn của các tổ chức tín dụng mà hiện nay chưa được điều chỉnh bởi pháp luật có liên quan.

Tìm mọi cách “gỡ”

Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho hay, thời gian tới có thể mở rộng các ngân hàng tham gia gói hỗ trợ cho vay mua nhà, thay vì chỉ giới hạn 5 ngân hàng quốc doanh như hiện nay. Bên cạnh đó, ông Tiến cũng đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ đổi giấy phép từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội để tạo nguồn cung ổn định cho phân khúc này.

Để khắc phục những vấn đề bất cập, NHNN, Bộ Xây dựng tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật về công chứng hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai; thủ tục thực hiện, công chứng hợp đồng; đăng ký, xử lý tài sản bảo đảm; nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội…, nhằm kiện toàn hành lang pháp lý để chương trình quan trọng này “chạy” trôi chảy.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh – cho rằng, phải nhìn nhận khách quan rằng giá bất động sản vẫn quá cao so với thu nhập của người dân, khiến người thu nhập thấp khó lòng tiếp cận nhà ở, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì hy vọng có chỗ ở ngày càng xa vời. Thế nên, gói tín dụng 30 nghìn tỉ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, ưu tiên sản phẩm phân khúc thị trường nhà ở xã hội, nhà ở quy mô vừa và nhỏ (70m2, dưới 15 triệu đồng/m2), giá bình dân là nhằm hướng đến hỗ trợ người thu nhập thấp có nhà ở.

“Kinh nghiệm nước ngoài họ đã gắn việc trả nợ với một cộng đồng những người có thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà. Cộng đồng này sẽ tìm cách giám sát việc trả nợ, chịu trách nhiệm với ngân hàng việc trả nợ của cả cộng đồng, liên hệ với các tổ chức hoạt động vì mục tiêu xã hội để tìm kiếm sự trợ giúp của xã hội đối với cộng đồng – ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nói – Điều này có nghĩa, việc cởi mở khung chính sách phải gắn với các cơ chế đặc thù để việc sử dụng vốn vay có hiệu quả và có khả năng trả được nợ”.

(Theo PLVN)
Chia sẻ:
Tin mới

Chính thức mở bán dự án New Horizon - 87 Lĩnh Nam (06/04/2015)

Những kỳ vọng vào thị trường địa ốc trong năm nay (25/02/2015)

Bất động sản sẽ đi qua thời chênh vênh và nhanh chóng khởi sắc (25/02/2015)

CT Number One mở bán khuyến mại “Lộc vàng trao tay đón ngay năm mới” (21/01/2015)

Những điều cơ bản trong bố trí phong thủy văn phòng (15/01/2015)

Tỷ suất đầu tư căn hộ cho thuê cao nhất nhì Đông Nam Á (15/01/2015)

Các tin khác

Bất động sản sẽ đi qua thời chênh vênh và nhanh chóng khởi sắc (25/02/2015)

Nguồn cung cấp văn phòng tăng 7 lần trong 10 năm qua (15/01/2015)

Giá thuê căn hộ dịch vụ có thể tăng 10-20% trong năm 2015 (08/01/2015)

Giá rẻ, sao nhà ở xã hội vẫn ế? (13/12/2014)

Thị trường BĐS cần tái cơ cấu để phát triển bền vững (10/11/2014)

Chỉ nên cho người nước ngoài mua bất động sản cao cấp (05/11/2014)