Câu hỏi đặt ra hiện nay là, có nên tiếp tục nhân rộng mô hình này? Để rộng đường dư luận, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với một số chuyên gia, nhà quản lý, hộ kinh doanh… về vấn đề này.
Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương: Không chấp nhận việc chợ không ra chợ, TTTM không ra TTTM
Hà Nội đã thực hiện chuyển đổi nhiều chợ truyền thống thành TTTM, trong đó có chợ Cửa Nam, Hàng Da và phần cải tạo ở chợ Hôm - Đức Viên. Những dự án này đều do doanh nghiệp đầu tư nhưng hoạt động không hiệu quả, đây là những bài học đắt giá, phải nghiêm túc kiểm điểm. Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND TP khi xem xét cải tạo các chợ phải tính toán kỹ lưỡng theo hướng, chợ truyền thống phải duy trì, phần bách hóa có thể chuyển sang TTTM, như vậy mới đạt được mục đích. Trong quy hoạch hệ thống bán lẻ cũng đã rút kinh nghiệm, không có chuyện chuyển sang TTTM lớn theo kiểu chợ không ra chợ, TTTM không ra TTTM. Thành phố cũng đã chấp thuận đề xuất này.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Cần lưu ý đến quy hoạch dài hạn
Muốn xây chợ, siêu thị, TTTM việc đầu tiên cần lưu ý là tầm nhìn quy hoạch: Phải nắm được 10 hoặc 20 năm tới, dân số Hà Nội bao nhiêu, cụ thể từng khu vực nội đô và ngoại thành. Thậm chí tầm nhìn phải tính đến năm 2050. Chợ Hàng Da, Ô chợ Dừa, chợ Cửa Nam có thể xem là chưa đạt mục tiêu đề ra trong quá trình chuyển đổi từ chợ truyền thống lên TTTM. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này do mục đích chính của các chủ đầu tư khi tiến hành cải tạo chợ là xây văn phòng cho thuê, bán hàng cao cấp; còn chợ truyền thống chỉ là yếu tố phụ nhằm thỏa hiệp với các tiểu thương khi chuyển đổi.
Chợ thành Trung tâm thương mại Cửa Nam |
Bà Ngô Thị Doãn Thanh - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội: Phải hài hòa giữa việc xây dựng TTTM và chợ dân sinh
Việc người dân không muốn mua sắm tại các chợ - TTTM do đây là mô hình mới, chưa có hướng dẫn về tiêu chuẩn thiết kế của các cơ quan chuyên môn (Bộ Xây dựng) nên việc thiết kế khu vực chợ chưa hợp lý. Hiện chợ dân sinh đang đáp ứng được nhu cầu tất yếu, chính đáng của người dân nên chưa thể "dẹp" ngay được. Bởi vậy, phải hài hòa giữa việc triển khai xây dựng TTTM và chợ dân sinh.
Trong thời gian tới, các ngành chức năng cần đánh giá lại hiệu quả của các dự án chuyển đổi mô hình chợ kết hợp các dịch vụ khác, phải xem xét lại chủ trương xã hội hóa khi triển khai xây dựng loại hình này xem có cần điều chỉnh không; Khẩn trương triển khai xây dựng chợ theo quy hoạch; Rà soát lại các dự án xây dựng chợ; Đồng thời các lực lượng chức năng cần vào cuộc tích cực hơn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm, an toàn giao thông tại các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn thành phố.
Bà Nguyễn Hải Khánh Linh - Trưởng phòng kinh doanh Công ty CP thương mại Hàng Da: Tâm lý người dân là yếu tố quyết định
Việc các TTTM vắng khách ngoài nguyên nhân sức mua giảm, còn do thói quen mua sắm tùy nghi tại các chợ truyền thống của người dân. Hiện tại, để thu hút khách hàng đến với Hàng Da Galleria, Công ty CP thương mại Hàng Da đang cố gắng đa dạng và "bình dân" hóa các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đơn cử như tầng 4 Hàng Da Galleria đang được cho thuê tập thể dục thể thao, tầng 5 là trung tâm hội nghị - tiệc cưới, trong khi tầng 2 và 3 đang được chuyển đổi sang việc kinh doanh các mặt hàng thời trang bình dân, phục vụ người tiêu dùng có thu nhập trung bình.
Chủ cửa hàng rau, củ, quả Anh Thoa (lô B480) chợ -TTTM Hàng Da: Phí, chợ cóc gây khó khăn cho tiểu thương
Mỗi tháng riêng tiền phí mà các tiểu thương kinh doanh tại chợ - TTTM Hàng Da đóng cho Công ty CP thương mại Hàng Da là từ 600.000 đồng cho tới 1 triệu đồng. Với mức phí cao như vậy nếu chỉ trông chờ vào bán lẻ là lỗ vốn, không ai trụ được tại khu chợ này. Việc kinh doanh khó khăn không chỉ do mức phí cao mà còn bởi việc các chợ cóc hoạt động ngang nhiên ngay cạnh chợ - TTTM Hàng Da. Bên cạnh đó, việc phải trả phí gửi xe cho mỗi lần đi chợ, lối đi vào các khu vực TTTM Hàng Da quá nhỏ, lại dày đặc xe cộ cũng phần nào cản trở việc đi lại của người dân khiến tâm lý "ngại" vào TTTM để mua sắm trở nên lớn hơn.