Tin tức
Chính thức mở bán dự án New Horizon - 87 Lĩnh Nam
Những kỳ vọng vào thị trường địa ốc trong năm nay
Bất động sản sẽ đi qua thời chênh vênh và nhanh chóng khởi sắc
CT Number One mở bán khuyến mại “Lộc vàng trao tay đón ngay năm mới”
Những điều cơ bản trong bố trí phong thủy văn phòng
Tỷ suất đầu tư căn hộ cho thuê cao nhất nhì Đông Nam Á
Nguồn cung cấp văn phòng tăng 7 lần trong 10 năm qua
Lượng giao dịch biệt thự liền kề tại Tp.HCM đang có chiều hường tăng mạnh
Hà Nội: Dân “sống trong sợ hãi” tại các khu tập thể cũ
Từ lâu nay người dân Thủ đô đã phải đối diện với tình trạng lún nứt, sụt lở, nham nhở hoang tàn, chấp nhận nhắm mắt “sống trong sợ hãi” ở nhiều khu tập thể ngay giữa lòng phố xá sầm uất.
Không phải đến bây giờ, khi Hà Nội bắt tay vào cải tạo khu chung cư cũ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), nỗi sợ hãi ở các khu tập thể khác mới “phát lộ”.
Tình trạng xuống cấp nghiêm trọng ở nhà 8 tập thể ĐH Kinh tế Quốc dân. Ảnh: QT |
Từ lâu nay người dân Thủ đô đã phải đối diện với tình trạng lún nứt, sụt lở, nham nhở hoang tàn, chấp nhận nhắm mắt “sống trong sợ hãi” ở nhiều khu tập thể ngay giữa lòng phố xá sầm uất.
Trên mang “ba lô”, dưới cõng quán cóc
Các khu tập thể tại Hà Nội như Bách khoa, Văn Chương, Kim Liên, Nam Đồng, Thành Công, Giảng Võ… đều ở trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Người dân ở những khu tập thể này ví von nơi họ đang sinh sống là “cổ kính” và… mục nát. Họ bảo, với sự khắc nghiệt thời tiết, quãng thời gian 40-50 năm tuổi của các “cụ nhà” cũng là những cảnh báo về an toàn cho các cơ quan chức năn |
Lối đi lên dãy nhà 5 tầng, khu tập thể K9 Bách khoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hun hút như một cái hang tối om, cầu thang không có điện, tường bong tróc ngả màu. Vào trong, khu vệ sinh quá cũ, tường nhà nứt nẻ. Bên ngoài, một số hộ vì diện tích sử dụng chật chội nên đã tự ý dựng “chuồng cọp” nhô ra nhô vào, kê giường ngủ, thậm chí là dọn đồ ra cầu thang như nơi đây là kho, là chạn. Phía dưới chân khu tập thể, quán nước, quán games đua ra lòng đường kinh doanh, làm cho khu tập thế này đã nhếch nhác càng thêm mất mỹ quan.
Chị Lai, nhà ở tầng 5 K9, tập thể Bách khoa cho biết: “Khu nhà này không có bãi xe. Tất cả chúng tôi đều phải gửi xe ở bãi cách đây vài trăm mét. Mỗi tháng 200.000 đồng/xe. Đắt đỏ nhưng vẫn phải chịu bởi chẳng ai sức đâu mà đẩy xe máy lên tận tầng 5 được”. Chị Lai kể lúc đêm hôm, người lớn còn lọ mọ được, tội mấy đứa trẻ, đi lại không an toàn. Đã có trường hợp trẻ em bước hụt ngã cầu thang bươu đầu, mẻ trán.
Tuy nhiên, đó chưa phải là vấn đề nan giải nhất ở khu tập thể này. Theo chị Lai và đa số những hộ gia đình sống ở tầng 5 là tầng trên cùng, tầng này bị xuống cấp trầm trọng, trần nhà nứt nẻ. “Hễ mưa kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ là nước chảy xuống nhà. Nhiều đêm đang ngủ, phải để xô chậu trên giường hứng nước”, chị Lai cho biết. Các hộ dân ở đây đã nhiều lần leo lên tầng thượng dùng xi măng trát các vết nứt lại, tuy nhiên đều không hiệu quả. “Bây giờ, chỉ còn cách bọc toàn bộ trần nhà bằng tôn. Nhiều lần các hộ chúng tôi ngồi bàn bạc với nhau, tuy nhiên rất khó thống nhất vì có nhiều hộ chỉ là nhà thuê nên họ không đồng ý bỏ ra một số tiền lớn như vậy để làm”, chị Hạnh, nhà ở 512 K9 Bách khoa cho biết.
Ông Phan Văn Quyền, tổ trưởng tổ dân phố số nhà 8, khu tập thể Đại học Kinh tế Quốc dân, đường Trần Đại Nghĩa, quận Hai Bà Trưng, người đã 37 năm sống tại khu tập thể này ngao ngán: “Nước lúc có, lúc không. Nhà thì cũ nát, tường bong, cửa lỏng lẻo. Có người còn bị cả mảng tường bong bục vào đầu”. Đã từ lâu, 120 hộ ở nhà 8 này đang phải sống khổ sở. Chật hẹp đã đành, họ còn hàng ngày đối mặt với bẩn thỉu và nguy hiểm. Ông Quyền cho biết, mỗi căn nhà ở đây chỉ 12m2 và suốt 37 năm qua chưa một lần được sửa sang. Quả thật, nhìn từ phía ngoài nếu không có những mắc quần áo phơi lỗ chỗ thì chẳng ai hình dung tại dãy nhà này có… sự sống?!
Giàu lo mạng, nghèo lo… ở
Cả khu nhà đã bị xuống cấp nghiêm trọng Ảnh: QT |
Ông Quyền tâm sự rằng, vì không có điều kiện mới phải “nán lại” sống khổ. Ở khu tập thể ông đang ở, 120 hộ chỉ còn lại đúng 20 hộ sinh sống. “Số còn lại, họ cho sinh viên và những người lao động chưa có nhà thuê lại. Người có tiền họ “cao chạy xa bay” hết. Chẳng ai dại gì ở đây mà chịu khổ. Chỉ còn mấy gia đình làm công ăn lương không thể rời đi vì nỗi lo cơm áo đè nặng”.
Nói đến vấn đề cải tạo nhà, ông Quyền đã dự đến gần chục cuộc họp của cơ quan chức năng bàn bạc nhưng vẫn “chưa đâu vào đâu” và cứ thế, họ vẫn phải sống trong chờ đợi.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, việc những gia đình có điều kiện tìm chỗ khác sinh sống không chỉ có ở nhà 8 khu ĐH Kinh tế Quốc dân mà hầu hết ở những khu tập thể cũ đã xuống cấp nghiêm trọng.
Một phần lớn các căn hộ trong khu tập thể này được nhượng lại và cho sinh viên thuê trọ học dài hạn. Thực tế, ở các khu tập thể đã xuống cấp và không an toàn không còn lý do gì để những người có tiền nán lại. Bởi chẳng ai muốn sống ở điều kiện sống khổ sở và cũng chẳng ai dám khẳng định sẽ không có tai nạn nào xảy ra. Còn lại ở những khu tập thể hoen ố đó là những người không thể đi đâu được đành sống “liều” trong lo sợ.
Mới đây, thông tin khởi công xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ đã mang lại hi vọng cho nhiều hộ dân ở những khu nhà này. Chị Lai ở K9 Bách khoa cho biết: “Mong mỏi được xây mới, dựng các khu tái định cư hoặc thậm chí là cải tạo chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng các cơ quan chức năng vẫn lắc đầu. Việc được xây mới như tập thể Nguyễn Công Trứ xem ra vẫn chỉ là “giấc mơ” không biết bao giờ mới thực hiện được”.
Mùa mưa 2013 đang đến gần. Nếu như lần này không thống nhất được việc bọc tôn phía trên tầng thượng, chị Lai và những hộ dân ở tầng 5, K9 Bách Khoa sẽ phải bỏ tiền mua tôn bọc dưới phần trần nhà mình rồi để một đường thoát nước phía cuối nhà. “Cách này tuy rất tạm bợ và rất mất mỹ quan nhưng là lựa chọn duy nhất. Đêm hôm lỡ có mưa còn được ngủ ngon giấc chứ không lục tục lấy xô chậu đến cơ khổ”, chị Lai cất lời buồn bã nói về nhà mình mà như nói hộ nhiều gia đình đang cư ngụ trên các khu tập thể xập xệ ngay giữa Thủ đô.