Chính sách - Quy hoạch
Friday, 13/09/2013, 10:03

Phải tạo thuận lợi để dân có chỗ ở hợp pháp

13/09/2013

Để người dân vì bí bách chỗ ở đành xây liều, sau đó Nhà nước buộc phải tháo dỡ là một việc quá đau xót, cần phải tránh.

Siết chặt kỷ cương trong hoạt động xây dựng là đúng đắn và cần thiết. Nhưng cạnh đó, Nhà nước phải tạo mọi điều kiện thuận lợi (bằng nhiều giải pháp) để người dân có chỗ ở hợp pháp. Để người dân vì bí bách chỗ ở đành xây liều, sau đó Nhà nước buộc phải tháo dỡ như vừa qua là một việc quá đau xót, cần phải tránh tối đa. Đó là nội dung được thống nhất tại buổi tọa đàm “Làm sao để người dân xây nhà hợp pháp” do báo PLTP tổ chức ngày 12/9.

Các đại biểu dự tọa đàm đã chỉ ra những trở ngại làm ảnh hưởng đến quyền được tạo lập chỗ ở hợp pháp của người dân và kiến nghị hướng gỡ.

Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng Tp.HCM: Cấp phép xây dựng: Khó ở khâu chuẩn bị hồ sơ

Thủ tục cấp phép xây dựng hiện không có gì phức tạp, chỉ cần đơn, bản vẽ và giấy tờ nhà đất. Theo Quyết định 21/2013 của UBND TP thì cấp phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ của dân còn dễ hơn trước. Nhiều trường hợp trước đó chỉ được cấp phép tạm giờ được cấp chính thức.

Theo tôi, khâu chuẩn bị hồ sơ là khó khăn nhất. Vướng nhất là không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và không phù hợp quy hoạch. Nhiều lần Sở đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng đất trong thời gian chờ thực hiện quy hoạch. Chẳng hạn, trong khoảng thời gian năm năm, 10 năm chưa thực hiện quy hoạch thì người dân được làm gì để đỡ lãng phí đất đai và cũng đáp ứng một phần nhu cầu của họ. Một người bạn của tôi tâm sự, họ làm hai sân bóng đá mini trên đất nông nghiệp ở Bình Chánh thì một thời gian sau bị tháo dỡ do xây không phép. Nhưng vì không ai quản lý, đất đai bỏ trống nên sau đó nơi này lại trở thành tụ điểm hút chích ma túy phức tạp!

Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng Tp.HCM, phát biểu tại buổi tọa đàm

KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP: Cần những khu dân cư “chuyển tiếp”

Nhà nước có cố gắng nhưng không đổi mới tư duy nên không theo kịp và không đáp ứng kịp nhu cầu của dân. Quy hoạch thiếu khả thi thì chính quyền lợi của người dân bị treo. Người dân nghèo cần chỗ ở và họ phải xoay xở bằng mọi cách. Nhà nước ngăn cấm dân xây nhà không phép là đúng nhưng Nhà nước đã đáp ứng nhu cầu của họ như thế nào?

Để giải quyết nhu cầu chỗ ở, nhiều nước cho làm những khu dân cư có hạ tầng cơ bản nhằm đáp ứng chỗ ở cho người thu nhập nhấp trong giai đoạn chuyển tiếp. Khi có điều kiện, họ sẽ chuyển ra ở tại những khu vực tốt hơn. Còn những khu vực công trình công cộng sẽ kiên quyết giữ vững, kiên quyết xử lý nếu có vi phạm.

KTS Nguyễn Thu Phong, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Tp.HCM: Dung hòa nhu cầu của dân


Có sự mâu thuẫn giữa ý muốn phát triển với đời sống thực tế của người dân, do đó phải có sự thỏa hiệp ngay từ nét vẽ ban đầu khi lập quy hoạch. Nếu chỉ có áp đặt thì sẽ thấy ngay sự căng thẳng khi thực hiện quy hoạch. Đã có trường hợp cả tập thể người dân trong hẻm cùng kiến nghị Nhà nước đừng tăng lộ giới hẻm, họ ở như vậy được rồi!

Không ai muốn vi phạm xây dựng nhưng tại sao người dân vẫn làm? Phải chăng họ tham lam tới mức độ đó? Người nghèo vi phạm đã đành, tại sao nhà giàu cũng vi phạm? Đó là bởi quy hoạch do Nhà nước lập thực sự đã có dấu hiệu lỗi thời ngay từ đầu. Có dự án mẫu nhà đã duyệt hơn 10 năm, lạc hậu rồi, nay người dân muốn điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu và giá trị sử dụng đất của họ nhưng cá nhân không làm được, còn chủ đầu tư thì đã đi mất nên không ai lo cho họ việc này.

Bà Đặng Thị Hồng Liên, Phó Chủ tịch UBND quận 9: Phải tiếp tục cải cách hành chính

Tình trạng xây nhà không phép trên địa bàn quận 9 có hai dạng. Một là người dân có đủ điều kiện để được cấp phép (như phù hợp quy hoạch, có giấy tờ nhà đất) nhưng lại tự ý xây dựng mà không xin phép. Trường hợp thứ hai là người dân mua đất nông nghiệp và xây dựng nhà ở. Trước đây, đã có những trường hợp xây nhà không phép được cho tồn tại. Do đó người dân có tâm lý xây xong rồi sẽ được hợp thức hóa.

Các trường hợp xây nhà không phép chủ yếu là lao động nghèo và không phải dân địa phương. Do không tìm hiểu thông tin về pháp lý đất đai nên họ đã mua phải đất nông nghiệp qua “cò” phân lô và bao xây dựng. Chúng tôi rất đắn đo với những trường hợp như thế. Bởi không xử lý thì không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật nhưng xử lý thì lại đánh vào dân nghèo.

Để tạo điều kiện cho dân có chỗ ở hợp pháp, cần phải tăng cường cải cách hành chính để làm sao giải quyết cấp phép cho dân nhanh nhất. Cạnh đó, việc tuyên truyền về các thủ tục xin phép xây dựng, các hình thức xử lý công trình vi phạm cũng rất cần thiết để giúp người dân nắm được pháp lý khi mua đất và xây dựng nhà ở.

Ông Đoàn Nhật, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh: Nhà ở riêng lẻ: Tiêu chuẩn cần thoáng hơn

Theo tôi, cách làm quy hoạch hiện nay quá cứng dễ dẫn đến khi bức xúc về nhu cầu nhà ở thì người dân buộc phải xây liều. Tôi đề nghị với những khu đất chưa có chủ đầu tư, cách lập quy hoạch cần linh hoạt hơn. Đặc biệt, khi đất đã phù hợp quy hoạch thì người dân đều có quyền được cấp phép xây dựng cho dù miếng đất đó mục đích là để xây dựng hay là gì đi nữa. Những khu đất đã cho phép chuyển mục đích sử dụng thành đất ở bằng quyết định phê duyệt quy hoạch rồi thì cũng không nên buộc người dân phải làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng nữa mà nên cấp phép xây dựng thẳng cho dân. Như vậy vừa đỡ mất thời gian của người dân, vừa đơn giản hóa thủ tục.

Ngoài ra, nên thoáng hơn khi quy định những tiêu chuẩn về nhà ở riêng lẻ. Nhà riêng lẻ ngoài dự án có chuẩn phải thấp hơn nhà trong dự án thì người dân mới có nhiều khả năng tạo lập chỗ ở hợp pháp.

Hiện nay công tác cấp giấy chứng nhận cũng để quản lý đất đai. Do đó, cho dù là xây dựng hợp pháp hay không thì vẫn cứ giải quyết cấp giấy. Nếu không cấp giấy chứng nhận thì sự không hợp pháp lại không được quản lý, gây ra nhiều bất cập. Theo tôi, càng không hợp pháp thì lại càng phải quản lý chặt. Những trường hợp này trong giấy chứng nhận sẽ ghi rõ là nhà không hợp pháp.

Ông Lê Xuân Tùng, Phó phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức: Mở rộng phạm vi cho phép xây dựng tạm

Đối với đất nông nghiệp trong khu vực quy hoạch, hiện TP đã cho phép người dân được xây dựng tạm. Quyết định này tạo ra sự thông thoáng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân.

Theo tôi biết, rất nhiều người có cả ngàn mét vuông đất nông nghiệp nhưng diện tích đất ở chỉ khoảng 60 m2 thôi. Quyết định 21/2013 của TP mới chỉ giải quyết những trường hợp cho xây dựng tạm trên đất nông nghiệp nhưng phải có nhà trước đó, còn đất trống thì không được xây dựng. Nhiều hộ dân đã sinh sống từ lâu đời, gia đình tăng nhân khẩu lên nhiều nhưng cứ bắt họ phải xoay xở mãi trong ngôi nhà 60 m2 là không hợp lý. Nên chăng, cần xem xét từng trường hợp cụ thể để mở rộng phạm vi cấp phép xây dựng tạm nhằm giải quyết vấn đề nhà ở của người dân.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QH-KT Tp.HCM: Sắp phủ kín quy hoạch 1/2.000

Chậm nhất đến cuối tháng 9, Sở QH-KT sẽ hoàn thành nhiệm vụ TP giao là phủ kín quy hoạch 1/2.000 trên toàn địa bàn. Về cấp phép xây dựng cho người dân trong vùng quy hoạch, TP đã có những chính sách thông thoáng, thuận lợi cho người dân hơn cả Nghị định 64/2012. Đó là cấp phép cho nhà đất trong lộ giới; cho xây nhà trong khu vực quy hoạch, nếu sau năm năm Nhà nước mới triển khai quy hoạch thì người dân được bồi thường… Ngoài ra, TP cũng đang xin ý kiến Thủ tướng về trường hợp đất nông nghiệp không phù hợp quy hoạch nên không được chuyển mục đích sử dụng làm đất ở. Tuy nhiên, đến nay chưa được phản hồi nên vẫn phải chờ.

Theo PLTP
Chia sẻ:
Tin mới

Chính thức mở bán dự án New Horizon - 87 Lĩnh Nam (06/04/2015)

Những kỳ vọng vào thị trường địa ốc trong năm nay (25/02/2015)

Bất động sản sẽ đi qua thời chênh vênh và nhanh chóng khởi sắc (25/02/2015)

CT Number One mở bán khuyến mại “Lộc vàng trao tay đón ngay năm mới” (21/01/2015)

Những điều cơ bản trong bố trí phong thủy văn phòng (15/01/2015)

Tỷ suất đầu tư căn hộ cho thuê cao nhất nhì Đông Nam Á (15/01/2015)

Các tin khác

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời việc “bôi trơn” sổ đỏ tại Hà Nội (05/12/2014)

Sẽ phạt tới 1 tỷ đồng nếu chậm làm sổ đỏ cho dân (14/11/2014)

Cấp sổ đỏ cho căn hộ trong thời gian không quá 30 ngày (07/11/2014)

Điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Tây Nam Hà Nội (03/11/2014)

Tổng cục Đất đai từ chối "chỉ tên" đơn vị gây nhũng nhiễu cấp sổ đỏ (02/10/2014)

Có hóa giải được “mê hồn trận” thủ tục hành chính về nhà đất? (29/09/2014)