Chính sách - Quy hoạch
Friday, 13/09/2013, 10:09

Đất lên giá, người dân phải có phần

13/09/2013

Việc bồi thường cho người dân bị thu hồi đất là nội dung được các đại biểu đặc biệt quan tâm tại phiên họp của Ủy ban thường vụ QH cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) chiều 12/9.

Bị “cướp” khi nhận tiền bồi thường

“Tôi đã bị sốc khi mới đây xem truyền hình. Thực tế đã xảy ra tình trạng nguời dân vừa nhận tiền bồi thường đã bị “cướp” ngay. Căn nguyên là do một số người biết trước quy hoạch rồi mua đất của người dân với giá rẻ để sau đó nhận tiền bồi thường. Họ canh ngày trả tiền bồi thường để lấy tiền ngay trên tay người dân. Có gia đình ở nông thôn được bồi thường tới 150 triệu đồng mà không mang về được đồng nào” - ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách QH, nêu một thực tế.

Theo ông Phan Xuân Dũng (đứng), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, những dự án phải thu hồi đất vì lợi ích quốc gia thì việc ủng hộ của người dân là rất cao nhưng phải được đối xử công bằng

Cũng theo ông Hiển, đất nông nghiệp nhưng khi có quy hoạch ở đó là khu dân cư, rồi có đầu tư hạ tầng thì giá đất ở đó tăng lên rất cao. Giá đất lên là nhờ những yếu tố trên, có nghĩa giá đất lên là do tác động từ phía Nhà nước. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người dân thì khi giá đất lên, Nhà nước nên có sự điều tiết như thế nào đó cho hợp lý. “Chẳng hạn, một thửa đất ban đầu có giá 300.000 đồng/m2. Nhưng khi có đầu tư hạ tầng vào đó, đất lên đến 10 triệu đồng/m2. Khi đó, Nhà nước trừ đi phần đã đầu tư, còn lại cho người dân hưởng một phần. Như thế là thỏa đáng. Người dân sẽ thỏa mãn. Như vậy mới giải quyết những khúc mắc trong tranh chấp đất đai hiện nay” - ông Hiển đề xuất.

Phải đối xử công bằng

Việc bồi thường cho người dân bị thu hồi đất sao cho thỏa đáng, công bằng cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Ta vẫn nói thu hồi đất của dân ở thời điểm nào thì trả tiền bồi thường cho dân theo giá tại thời điểm đó. Giá bồi thường phải sát với giá thị trường. Phải bồi thường cho dân theo đúng nguyên tắc sát giá thị trường. Điều này là rất quan trọng. Nếu không làm được điều này thì vẫn tiếp tục phải giải quyết khiếu kiện.”

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, nói: “Với những dự án phải thu hồi đất vì lợi ích quốc gia thì việc ủng hộ của người dân là rất cao. Không phải người dân bất bình gì nhiều với Nhà nước mà chỉ sợ không công bằng. Người dân phải được đối xử công bằng”.

Đồng ý với việc cần thiết phải có quy định về thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình phát triển kinh tế, xã hội nhưng ông Phùng Quốc Hiển cho rằng việc quy định như trong dự thảo còn khá chung chung. “Để tránh việc thu hồi đất tràn lan, nhất là với đất trồng lúa, đất nông nghiệp thì nên quy định hạn mức thu hồi đất. Cụ thể như HĐND ở địa phương, cấp bộ, cấp Chính phủ thì được thu hồi đất ở mức nào. Quy định như vậy rõ ràng hơn, thể hiện quyền định đoạt đất đai từ trung ương đến địa phương” - ông Hiển đề xuất.

Góp thêm về vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý cần phải quy định cho thật rõ, trường hợp nào Nhà nước thu hồi đất, trường hợp nào Nhà nước không thu hồi (tự thỏa thuận).

Phải tính tới công sức của dân

Với đất bãi bồi, trước kia vùng đó chỉ là mặt nước, người dân hết đời cha đến đời con quai đê, lấn biển. Nhưng nay ta thu hồi mà chỉ bồi thường đối với phần đất trong hạn mức cho người dân, với đất vượt ngoài hạn mức thì không được bồi thường. Như vậy là không ổn! Người dân không thể chịu nổi. Rồi người ta chống đối lại chính quyền. Như vậy sẽ xảy ra những trường hợp tương tự như gia đình ông Vươn ở Hải Phòng. Vì vậy, cần quy định với đất vượt hạn mức được giao cũng được bồi thường khi thu hồi.

Ông NGUYỄN HẠNH PHÚC, Chủ nhiệm Văn phòng QH

"Được chăng hay chớ"

Khi bị thu hồi đất, được bồi thường bao nhiêu là điều lâu nay rất được quan tâm. Trong khi đó, việc làm cho người dân mất đất lại ít được để ý một cách đúng mức. Nhận nhà xong, nhận tiền xong thì lấy gì để sống? Việc làm cho người dân mất đất được thực hiện theo kiểu “được chăng hay chớ”. Nhiều dự án khi thu hồi đất thì hứa hẹn nhận người dân vào làm việc ở đó. Nhưng sau đó lại đưa ra nhiều lý do để không thực hiện. Chỉ có người dân là thiệt thòi, không có nghề hoặc chỉ có nghề tạm bợ.              

BàTRƯƠNG THỊ MAI,Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội

Theo PLTP
Chia sẻ:
Tin mới

Chính thức mở bán dự án New Horizon - 87 Lĩnh Nam (06/04/2015)

Những kỳ vọng vào thị trường địa ốc trong năm nay (25/02/2015)

Bất động sản sẽ đi qua thời chênh vênh và nhanh chóng khởi sắc (25/02/2015)

CT Number One mở bán khuyến mại “Lộc vàng trao tay đón ngay năm mới” (21/01/2015)

Những điều cơ bản trong bố trí phong thủy văn phòng (15/01/2015)

Tỷ suất đầu tư căn hộ cho thuê cao nhất nhì Đông Nam Á (15/01/2015)

Các tin khác

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời việc “bôi trơn” sổ đỏ tại Hà Nội (05/12/2014)

Sẽ phạt tới 1 tỷ đồng nếu chậm làm sổ đỏ cho dân (14/11/2014)

Cấp sổ đỏ cho căn hộ trong thời gian không quá 30 ngày (07/11/2014)

Điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Tây Nam Hà Nội (03/11/2014)

Tổng cục Đất đai từ chối "chỉ tên" đơn vị gây nhũng nhiễu cấp sổ đỏ (02/10/2014)

Có hóa giải được “mê hồn trận” thủ tục hành chính về nhà đất? (29/09/2014)